Đạo đức làm người: sống không làm khổ mình khổ người

Đạo đức không làm khổ mình khổ người đã được Đức Phật cách đây 2542 năm, Ngài đã dạy chúng ta học tập và tu sửa mỗi mỗi hành động thân, miệng, ý, đầy đủ những đạo đức và những đạo hạnh làm Người, làm Thánh Nhân.
Hành động sống của con người thật là người thì không còn mang bản chất hung ác của loài cầm thú nữa, thì đó mới thật là hành động “đạo đức nhân quả không làm khổ mình khổ người”, còn ngược lại, làm khổ cho nhau là những hành động của loài cầm thú, không có đạo đức.
Người thiếu giáo dục đạo đức về tư cách đi, đứng, nằm, ngồi thì cách thức ngồi nào họ cũng ngồi được cả, họ đâu biết rằng, con người vừa sanh ra thì cũng giống như một con thú vật, nếu không tập đi hai chân thì con người cũng đi bốn chân như con thú vật mà thôi; nếu không tập nói thì con người cũng chỉ biết kêu thét và la hú như con thú vật; nếu con người không tập luyện mỗi mỗi hành động của mình cho đúng tư cách làm người thì con người chỉ là con thú vật mà thôi. Cho nên muốn làm người không phải dễ, người xưa nói: “làm người khó! làm người khó !”
Đừng bảo rằng: “Trời sanh sao để vậy, sống tự nhiên cho khỏe hơn”, đó là sự hiểu sai, không đúng. Một cây kia nếu không được sự rong uốn thì cây kia cong queo trở thành vô dụng chỉ có làm củi mà thôi. Con người mà không học đạo đức khi sanh ra sống tự nhiên thì chẳng khác nào giống như một con thú vật. Bởi vậy, con người cần phải được giáo dục đạo đức toàn diện từ cách thức đi, đứng, nằm, ngồi, cho đến mọi cách thức ăn, nói, giao tiếp và xã giao với mọi người, không những đối với con người mà còn đối xử với tật cả loài cầm thú, lúc nào cũng phải lịch sự và lễ độ để tránh những hành động vô đạo đức vừa làm khổ mình làm khổ người và khổ chúng sanh. Đó là mọi hành động cách thức con người vượt ra khỏi những hành động của loài cầm thú để không còn làm khổ, giết hại và ăn thịt lẫn nhau nữa. Nhờ vượt thoát ra khỏi những hành động của loài cầm thú, nên không gây ra những hậu quả khổ đau sau này.
Vì thế chúng ta mới học đạo đức, nếu không ích lợi như vậy thì học đạo đức để làm gì? Nếu con người không chà đạp lên sự sống của nhau và không làm khổ đau cho nhau thì học đạo đức cũng chỉ bằng thừa mà thôi. Cho nên, đạo đức rất quan trọng cho đời sống của loài người trên hành tinh này.
Chính vì con người đã tự làm khổ mình và làm khổ người khác, nên nói có đạo đức không làm khổ mình khổ người ra đời để dạy cho con người thoát khổ, tức là thoát kiếp làm loài động vật hung ác, gian xảo, lừa đảo, điêu ngoa, xảo quyệt, v.v…
Đã không sanh ra làm người thì thôi, mà đã sinh ra làm người thì phải sống cho đúng tư cách đạo đức làm con người, chứ đừng sống như con thú vật, chỉ biết có đấu tranh vì miếng ăn, vì dục vọng, thì còn nghĩa lý gì là con người?
Con vật không có trí tuệ như con người, vì thế những hành động của loài vật thường xâu xé lẫn nhau vì miếng ăn, chỗ ở, vì ghen tuông, ganh tỵ, thù hận, v.v… Con người thì không lẽ như vậy được.
Bởi vậy, làm người phải có những hành động thật là con người, cho xứng đáng là con người, đừng sống theo kiểu nửa người nửa thú vật để biến sự sống trên hành tinh này thành cảnh địa ngục, luôn luôn tạo ra muôn vàn sự khổ đau cho nhau.
Làm người chúng ta phải hiểu rằng: là một con vật thì phải có những hành động của một con vật; là một con người thì phải có những hành động của một con người. và hiểu biết như vậy mới gọi là người hiểu biết. Nếu không vậy mà gọi con người có sự hiểu biết thì không đúng.
Hiểu biết cái gì?
Hiểu biết những hành động đạo đức không làm khổ mình, khổ người. Còn ngược lại, có những người hiểu biết rất nhiều, có trình độ học thức rất cao, có bằng tiến sĩ, có sự thông hiểu Tam Tạng Kinh Điển mà vẫn thiếu đạo đức, thường mang tự ngã, xem mình là trên hết nên thường làm khổ mình khổ người, thường nói xấu người khác, đổ tội cho người khác khi mình làm sai, làm lỗi, nhất là rất hèn hạ khi làm lỗi mà không dám nhận lỗi.
Sống còn tham ăn, tham ngủ như loài cầm thú thì những người ấy chưa được gọi là những người hiểu biết; những người ấy vẫn là những người còn vô minh mang đầy bản chất của loài thú vật.
Những hành động thân, miệng, ý không làm khổ mình khổ người là những hành động đạo đức mang đầy tính nhân bản. Cho nên hành động đạo đức không thể giống như những hành động của một con thú, hành động của một con thú không thể gọi là hành động đạo đức của một con người được, vì hành động của một con thú thường làm khổ cho nhau, giết hại lẫn nhau chỉ vì một miếng ăn rất nhỏ mọn, hèn hạ, đê tiện, v.v…
Thế mà, trong đời sống hằng ngày, chúng ta đã chứng kiến biết bao nhiêu hành động của con người thiếu đạo đức, tranh giành, chà đạp lên nhau và giày xéo lẫn nhau, chỉ vì miếng cơm, manh áo và những vật chất tầm thường, đã biến con người mất hết đạo đức và lương tri để trở thành những con thú vật mang hình người. Nhưng cũng có những con thú vật lại có những hành động đạo đức, không khác gì con người, đó là những con người còn mang lớp thú; nhưng cũng có những con người có những hành động như con thú, thiếu đạo đức, gian tham, xảo quyệt, lừa đảo, hung dữ, ganh tỵ ,tật đố, sân hận, thù hằn, ích kỷ, hẹp hòi, v.v… đó là con thú mang lớp người
Một con vật nhờ có bộ lông, nhưng lại sống hở han, không kín đáo, bày da, bày thịt, gợi dâm gợi dục, không biết xấu hổ, nên gọi là con vật. còn con người thì khác, biết xấu hổ, biết anh em chị em, biết cha mẹ ông bà, biết mặc quần áo cho kín đáo thân, không bày da bày thịt, không khiêu gợi dâm dục, những hành động như vậy là hành động đạo đức của con người, còn ngược lại là những hành động của loài thú vật.
Con người thoát ra bản chất loài thú vật là ở chỗ có những hành động đạo đức biết xấu hổ, biết giữ gìn kín đáo, biết luân thường đạo lý.
Nhìn con người và con thú khác nhau là ở chỗ có những hành động đạo đức hay không đạo đức, biết xấu hổ hay không biết xấu hổ mà thôi, không phải nhìn ở hình tướng bên ngoài của con người mà đánh giá trị họ được, mà hãy nhìn những hành động thiện ác là biết ngay người hay thú, Thánh Nhân hay loài ác quỷ.
Bởi vậy, những hành động đạo đức là những hành động thoát ra khỏi bản chất loài cầm thú và ác quỷ. Nếu con người không có học đạo đức thì không biết đạo đức, nên dễ có những hành động vô tình của mình mà đã trở thành những hành động của một con thú vật hay là ác quỷ.
Có những người học đạo đức nhưng không thực hiện đạo đức, sống hành động theo dục vọng như một con thú vật, những loại người này được xem là ác quỷ, chứ không phải loài cầm thú nữa.
Thời nay, người phụ nữ ăn mặc hở hang bày da, bày thịt, khiêu dâm, gợi dục giống như loài cầm thú chẳng khác nào. Nhất là gần đây, người Đông Phương chịu ảnh hưởng của người Tây Phương về cách thức ăn mặc hở hang. Người Tây Phương họ sống theo vật chất dục vọng nên thiếu đạo đức không như người Đông Phương của chúng ta.
Thấy lối sống và hành động của con người hiện giờ, biết là đạo đức của con người đang xuống dốc, và đang trở về đời sống của loài thú vật.
Người ta lo sản xuất vật chất và thực phẩm để phục vụ đời sống con người rất đầy đủ và tiện nghi, nhưng người ta lại quên xây dựng một nền đạo đức nhân bản cho con người. Vì thế, con người không thoát ra khỏi bản chất của loài cầm thú và ác quỷ mà còn trở lại bản chất của loài cầm thú và ác quỷ hơn nữa, nên hành động hằng ngày của mọi người đối xử với nhau rất là thú vật, gần như không còn có đạo đức chút xíu nào cả. Ngoài mặt làm ra vẻ đạo đức, còn bên trong tâm của họ toàn là con thú vật, và ác quỷ.
Giới luật Phật là những hành động đạo đức chân thật của con người không làm khổ cho nhau; là thước đo để chúng ta nhận xét biết được mọi con người, họ là con người hay là thú vật; họ là người tu thật hay là tu giả; họ là Thánh nhân hay là Ác quỷ.
Vì thế, chúng ta tu theo Đạo Phật không phải cầu thiền định; không phải cầu thần thông phép tắc hoặc cầu chết đi được sanh về Niết Bàn, Cực Lạc, hoặc cầu danh, cầu lợi, hoặc cầu cơm ăn áo mặc, hoặc cầu chùa to Phật lớn, hoặc cầu làm chức Hòa Thượng, Thượng Tọa, Viện Trưởng , Viện Chủ, v.v…
Chúng ta đến với Đạo Phật cũng không phải cầu kiến tánh thành Phật, Thánh, Tiên, Hiền Nhân, Quân Tử, v.v…
Chúng ta đến với Đạo Phật chỉ cầu tu tập trau dồi sửa tâm tánh của mình có những hành động đạo đức không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh, để chúng ta thoát ra khỏi những hành động của loài cầm thú và ác quỷ.
Đến với Đạo Phật nếu được vậy chúng ta đã mãn nguyện lắm rồi. Chúng ta không dám ước nguyện một điều gì ngoài tầm sức của mình; không dám mơ tưởng những gì cao siêu huyền bí; và cũng không dám mơ tưởng làm Bồ Tát độ hết chúng sanh, vì độ hết chúng sanh sức của chúng ta không kham nổi, chỉ tùy duyên mà thôi, ai có duyên với mình thì độ không duyên thì thôi, chúng ta chẳng dám ước vọng, vì ước vọng như Phật và Bồ Tát của Đại Thừa sẽ không thực hiện được, thiếu thực tế và còn mơ hồ, trừu tượng, khiến cho chúng sanh nghi ngờ, mất niềm tin với Đạo Phật.
Chúng ta cũng ước mong sao cho tất cả mọi người trên thế gian này đều được tu học đạo đức như chúng ta để hưởng được một mùa xuân vĩnh cửu.
Tóm lại, làm con người phải học đạo đức, nếu không học đạo đức thì không thể xứng đáng làm con người. Con người không học đạo đức lần lần nhiễm ác pháp trở thành những con thú hung dữ, và còn hơn nữa là loài ác quỷ. Cho nên, dù trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng phải cố gắng học đạo đức làm người. Không nên xem thường đạo đức, vì đạo đức sẽ xác định cho chúng ta biết là con người, con thú vật hay là ác quỷ.
Muốn thoát ra khỏi bản chất loài cầm thú không gì hơn chúng ta phải thực hiện đạo đức nhân quả làm người, không nên làm khổ mình khổ người và luôn luôn còn phải biết thương yêu nhau, tha thứ cho nhau những lỗi lầm của nhau, và còn biết đùm bọc lẫn nhau trong những lúc gặp hoạn nạn, tai ương, những lúc tối lửa tắt đèn, cùng những lúc trên đường tu hành gian nan khó khổ, để cùng nhau chia xẻ ngọt bùi, cay đắng, v.v…
Trưởng Lão ThíchThông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0585662660
Liên hệ