Chuyện làng khoa bảng
Làng Thổ Hoàng Cả được hình thành cách đây gần 2.000 năm, dân cư chủ yếu sống bằng nghề nông, trồng lúa nước. Theo các tài liệu còn lưu giữ được của làng, vào khoảng thế kỉ VI, làng đã định hình hương ấp với tổ chức khá chặt chẽ. Cùng với thời gian, ngôi làng phát triển trong sự định hình của thiết chế Nho giáo và bị tác động mạnh mẽ bởi tư tưởng đó. Bởi thế, cho đến ngày nay, làng vẫn còn giữ được những truyền thống văn vật, những thuần phong mỹ tục và nền khoa cử bậc nhất Việt Nam.
Ông Vũ Thanh, trưởng thôn Thổ Hoàng Cả cho biết: “Làng thờ thành hoàng là cụ Bùi Công Hộ. Đây là vị tướng tài của thời Lý Nam Đế và Triệu Việt Vương. Vị tướng này có công đánh giặc Lương giữ đất, giữ ấp nên được vua tin dùng. Sau khi mất, cụ được dân làng tôn thờ làm thành hoàng, bảo vệ sự bình yên của xóm làng nơi đây”. Vẫn theo lời ông Thanh, cụ rất thiêng, người dân trong làng kính trọng, không dám gọi tên húy mà chỉ gọi là cụ Giúp (hay cụ Hoàng). Theo người dân nơi đây, nhờ có phúc ấm của cụ, con cháu đã được hưởng vượng khí, người học đỗ đạt ra làm quan rất nhiều.
Ông Thanh chỉ cho phóng viên ngôi mộ của Thành Hoàng làng
Theo hương ước còn lưu giữ đến bây giờ, trong thời Nho học, làng có hàng trăm người đỗ cử nhân, tú tài ở các kỳ thi Hương, với 10 người đỗ tiến sĩ. Tiêu biểu nhất trong các tiến sĩ, đó là cụ Nguyễn Trung Ngạn – vị tiến sĩ Hoàng Giáp đầu tiên của nền khoa cử Việt Nam (cụ đỗ tiến sĩ năm 1304, đời Trần). Cụ được phong làm Thân Quốc Công, giữ trọng trách nội trị, bang giao, được sử sách lưu truyền. Tên của cụ được lưu ở Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) và Văn miếu Xích Đằng ở Hưng Yên.
Theo ông Thanh, làng trước kia có 3 ngôi chùa, 9 giếng, 8 cổng cùng nhiều nhà thờ họ lớn, nhỏ khác nhau. Làng có 8 xóm, hai trại và 21 dòng họ, chung sống trên mảnh đất rộng chừng 2km2. Tương truyền rằng, các nho sinh trước khi đi thi, thường dừng chân ở đây để ôn tập kiến thức và quan trọng nhất là cầu vượng khí giúp mình đỗ đạt như tiến sĩ Lê Trọng Thứ (thân phụ nhà bác học Lê Quý Đôn). Hiện nay, sử sách vẫn chưa thống nhất số lượng tiến sĩ của làng Thổ Hoàng Cả. Theo số liệu ông Vũ Thanh cung cấp thì, tổng Thổ Hoàng trước kia có 18 tiến sĩ, trong đó làng Thổ Hoàng Cả chiếm 10 người. Các vị tiến sĩ này hiện vẫn ghi danh và thờ trong đình làng.
Tuy nhiên, số lượng người đỗ đạt, làm quan của làng Thổ Hoàng Cả càng về sau càng giảm. Những dòng họ có truyền thống khoa cử trước đây hầu như không có người đỗ đạt nữa. Trong thời hiện đại, khi Nho cử bãi bỏ, nền tân học mở ra thì, những người con của làng Thổ Hoàng Cả đi học lại càng ít. Đa phần họ làm nghề nông, rồi đi bộ đội. Nhiều người con ly hương, bỏ xứ đi làm ăn và định cư tại vùng đất mới. Truyền thống học tập của một vùng đất nổi tiếng khi xưa bị lụi tàn dần, không còn cơ hội trở lại thời thịnh vượng trước đây.
Giai thoại ‘thầy’ địa lý đào kênh, ‘phá’ phong thủy
Ông Vũ Thanh đã chia sẻ những điều bất ngờ, thú vị xung quanh câu chuyện làng Thổ Hoàng Cả bỗng dưng bị mất vượng khí. Theo các cụ nhiều đời truyền lại, nguyên nhân làng mất vượng khí liên quan đến ngôi mộ của cụ Bùi Công Hộ – thành hoàng làng. Ông Thanh dẫn chúng tôi tới thăm mộ cụ Giúp, vừa đi vừa chỉ cho chúng tôi địa thế của khu vực này. Cánh đồng của làng trước kia được gọi là cánh đồng Nhạn (vì có hình dáng giống con chim Nhạn), là nơi có phong thủy tốt. Địa thế của cánh đồng nằm ở phía Tây Nam của làng. Trên khu đất này, người đỗ đạt cao đều được táng tại đây, như cụ Nguyễn Trung Ngạn, một số người của dòng họ Hoàng… và, không thể thiếu mộ cụ Giúp.
Theo người dân, làng Thổ Hoàng Cả không những nằm trên vùng “đất vàng” mà còn được thành hoàng làng “phù trợ”. Ngôi mộ của cụ được người dân bao đời nay kính cẩn thờ phụng, không dám tự tiện dịch chuyển hay động chạm gì. Theo quan sát của PV, đây là một gò đất rộng chừng khoảng hơn 40m2, xung quanh cỏ mọc um tùm và xanh mướt, không có gì đặc biệt. Người phương xa đến, tưởng đây chỉ là một gò đất nhân tạo mà thôi. Thế nhưng, theo lời ông Thanh thì nguyên nhân chính dẫn đến việc này là người dân không dám động thổ, vì sợ động long mạch mộ cụ Giúp. Nhiều ý kiến muốn xây dựng lăng thờ cụ, nhưng bàn đi bàn lại, mọi người vẫn chưa tìm ra phương án phù hợp.
Theo truyền thuyết người xưa để lại, những “thầy” địa lý người Trung Quốc, thấy vùng đất này có nhiều người đỗ đạt, làm quan, số lượng các tiến sĩ khoa bảng xuất hiện liên tục, nối tiếp nhau nên tìm cách phá vượng khí. Họ thuê người đào một con kênh lớn, sâu, chạy thẳng từ đầu làng về hướng Nam. Để che mắt người dân, ban đầu những “thầy” địa lý này thuê Lý trưởng chỉ đạo người dân đào kênh để dẫn nước. Theo kế hoạch thì con kênh sẽ được đào chạy thẳng lên phía Nam, nhưng khi đến gần mộ cụ Giúp, các “thầy” địa lý đã chỉ đạo thợ đào vòng sang phía Tây, đi sát ngang qua mộ cụ để động long mạch, hòng “phá” đi long mạch. Không những vậy, con kênh còn chạy vòng trước mặt làng, đâm sang hướng Tây để triệt luôn long mạch của cả ngôi làng.
Hiện nay, con kênh này vẫn còn hiện hữu, tuy nhỏ, người dân gọi nó là con cừ. Không biết thực hư câu chuyện này đến đâu, nhưng quả thật, từ đó, làng Thổ Hoàng Cả không “sản sinh” thêm tiến sĩ nào nữa. Truyền thống khoa cử nơi đây cứ ngày mai một dần. Theo tâm sự của cụ Hoàng Văn Đàn, 95 tuổi, một vị cao niên, đại thượng thượng thọ trong làng thì, việc này ảnh hưởng đến tất cả các dòng họ sinh sống ở Thổ Hoàng Cả. Những dòng họ có truyền thống học bao đời như họ Hoàng, họ Nguyễn… đều bị ảnh hưởng nặng nề. Dòng họ Hoàng, có 5 tiến sĩ, nhiều tiến sĩ nhất làng, sau khi con kênh hiện hình, đến nay không “sản sinh” được tiến sĩ nào. Cụ Đàn cho biết, suốt 8 đời vua phong kiến liên tiếp, có dòng họ, không có một ai đỗ đạt. Theo đánh giá của cụ Đàn, việc học của người làng hiện nay có khởi sắc hơn nhưng không còn được như xưa.
Ban thờ Thành Hoàng làng tại đình Thổ Hoàng.
Nguồn gốc dòng họ ngoại của Bác Hồ?
Trong những dòng họ nổi danh ở Thổ Hoàng Cả, dòng họ Hoàng được biết đến là dòng họ có nhiều tiến sĩ nhất làng. Danh sách ở Văn miếu Xích Đằng và Quốc Tử Giám, 5 tiến sĩ của dòng họ Hoàng là Hoàng Tuân (đậu khoa thi 1553), Hoàng Chân Nam (đậu khoa thi 1571), Hoàng Công Chí (đậu khoa thi 1670), Hoàng Công Bảo (đậu khoa thi 1710), Hoàng Bình Chính (đậu khoa thi 1775). Cụ tổ khai sinh ra dòng họ Hoàng ở làng Thổ Hoàng Cả là cụ Hoàng Chân Tính. Theo lời kể của cụ Hoàng Văn Đán, cao niên nhất của chi thứ 2, dòng họ Hoàng thì, cụ tổ họ Hoàng làm nghề dạy học ở xa. Khi cụ mất, con cháu chuyển cụ về làng bằng bè chuối để chôn cất. Đoàn người về đến đầu làng thì đêm đã khuya, con cháu đành quần tụ ở đó và đợi ngày mai ra làm thủ tục đưa cụ về nhà. Tuy nhiên, điều lạ đã xảy ra, chỉ sau một đêm mối đã đùn lên bao kín thân thể cụ và tạo thành một cái gò cao. Con cháu cho đó là điềm tốt nên quyết định táng cụ ở nơi đó. Đến nay ngôi mộ này vẫn còn.
Cụ tổ có hai người con trai là trưởng nam Hoàng Chính Nghị và thứ nam Hoàng Tính Chân. Người con trưởng ở lại làng, trong khi đó người con thứ thiên cư về Hoàng Vân, lập ra họ Hoàng ở Vân Nội, Hoàng Vân, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam (nay thuộc xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Hai người con của cụ, người ở lại thì con cháu phát đường khoa cử, văn chương. Người thiên cư thì con cháu phát đường võ nghiệp. Nhánh nào cũng có người tài giúp nước, giúp dân và đem vinh quang rực rỡ về cho dòng tộc. Điều đặc biệt nhất, nhánh họ Hoàng ở Vân Nội chính là cội nguồn dòng họ ngoại của Bác Hồ.
Nguyên Hồng Quốc Công Hoàng Nghĩa Kiều là cháu 3 đời của tổ họ Hoàng ở Vân Nội. Cụ vào trấn thủ Nghệ An năm 1557, kết hôn và lập ra nhánh họ Hoàng tại đây. Bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Bác Hồ) chính là con cháu của cụ Hoàng Nghĩa Kiều. Chính bởi vậy, nguồn gốc họ ngoại của Bác Hồ xuất phát từ làng Thổ Hoàng Cả. Nhắc đến chuyện này, ông Vũ Thanh rất hồ hởi chia sẻ: “Làng chúng tôi không chỉ tự hào với truyền thống hiếu học, khoa cử mà chúng tôi còn rất tự hào vì đây là nơi phát tích dòng họ ngoại của Bác Hồ. Chúng tôi tự hào vì trong con người vĩ đại đó, có dòng máu nhỏ mang tên Thổ Hoàng Cả”