SƠN – HƯỚNG VÀ TRẠCH TRONG PHONG THỦY?

SƠN – HƯỚNG VÀ TRẠCH TRONG PHONG THỦY?

Xét riêng môn Bát Trạch, ta thấy các khái niệm chính được đưa ra không kèm theo một định nghĩa nhất quán và do đó đã đưa đến những quan niệm trái ngược về Tả, Hữu, Sơn, Hướng, Trạch mệnh… Sau khi căn cứ vào biến quái và quan hệ sinh khắc để định Bát Trạch du niên, người ta căn cứ vào vị trí các cung cát hung để quy ra Đông Tứ Trạch và Tây Tứ Trạch phối hợp với Đông tứ mệnh và Tây tứ mệnh từ 8 Quái mệnh. Cách định danh Trạch không được quy định chặt chẽ nên sách này theo Hướng, sách kia theo Sơn. Người học theo sách phối hợp Trạch và Mệnh quái không biết thế nào là đúng.

Với quan điểm Âm trạch có ảnh hưởng đến nhiều thế hệ cháu con trong khi Dương trạch chẳng qua chỉ thích nghi với một chủ gia đình, Khoa Phong Thủy Dương trạch hẳn chỉ là phần ngọn của trái núi băng mà thôi. Vì người ta cho rằng khoa Âm Trạch dựa trên những đặc tính đảo chiều của Dương Trạch, nên khó tin rằng Phong Thủy Âm Trạch có mức độ lý luận hoàn hảo hơn Phong Thủy của Dương Trạch.

Có lẽ Phong Thủy – như nhiều người đã khẳng định – là một thuật quý tộc, ban đầu chỉ dành cho vua chúa và giới thượng lưu sử dụng. Những tầng lớp này dùng PT để chọn đất làm kinh đô, xây thành lũy, đền đài, cung điện và dinh thự. Những công trình này bao giờ cũng có hình dáng có thể quy về hình vuông, có tỷ lệ diện tích xây dựng trên chiều dài tường bao thuận lợi hơn cả. Những công trình này đặc biệt thích hợp cho việc áp dụng các quan hệ Bát quái đơn thuần hoặc các quy tắc của thuật Bát Trạch.

Những tác giả sau này của giới Phong Thủy Trung Quốc cũng nhận thấy những nhược điểm trong hệ thống lý thuyết của Phong Thủy, nhất là của Bát Trạch nên họ cố gắng đưa ra những định nghĩa cho các khái niệm chủ yếu của Phong Thủy nói chung và Bát Trạch nói riêng như Eva Wong, Joey Yap… Sau tham khảo những tư liệu của họ. Tôi có suy luận sau, có thể anh em cùng tham khảo, chỉnh lý.

Xuất sứ của Sơn và Hướng
Có tác giả đưa ra nhận định rằng, người xưa khi chọn chỗ xây nhà thường dựa trên quan điểm ghế bành, tức là phải có Sơn để tựa lưng và hai bên Tả Hữu che chắn cho an toàn. Chính vì ưu tiên làm nhà tựa lưng vào gò, núi nên mới có từ Sơn chỉ lưng nhà, chứng tỏ những người lập ra môn Phong Thủy vốn sinh sống ở vùng nhiều núi, như Nam Trung Quốc ngày nay. Quan điểm tìm chỗ dựa lưng này cũng thể hiện trong thuật tác chiến, tự vệ. Như Hồ Dzếnh đã nói đến trong tác phẩm của ông, cho đến giữa thế kỷ trước TQ có hai loại người chính, một loại làm lụng kiếm ăn còn loại kia chuyên đi ăn cướp. Nếu lập một gia trang có ba mặt được thiên nhiên bảo vệ trừ mặt trước, chắc chắn việc phòng vệ sẽ dễ dàng hơn cho người trong nhà. Như vậy, chắc chắn sẽ có những học giả hoặc những người ứng dụng Phong Thủy xuất phát từ thực tế đi chọn đất làm nhà mà xem Sơn quan trọng hơn Hướng.

Nếu những dân tộc du mục trên thảo nguyên lập ra môn Phong Thủy, chắc sẽ không có danh từ Sơn. Ta có thể tin rằng họ sẽ xem Hướng quan trọng hơn vì phải bố trí cửa lều thích hợp tránh ảnh hưởng gió mạnh. Nếu Phong Thủy là một học thuật ứng dụng được trên toàn cầu, nó sẽ phải trút bỏ những giới hạn gây ra bởi ngôn ngữ như từ Sơn… hoặc những ảnh hưởng mang tính thực dụng phụ thuộc vào địa phương, khu vực văn hóa…

Thực ra, để tránh những xung đột của hai cách định danh Hai dạng cư xá theo Hướng hoặc theo Sơn ta chỉ cần hiểu các khái niệm Đông Tứ Gia, Tây Tứ Gia căn cứ vào hai nhóm chính phân bố các cung Cát, Hung của Nhà ở và của Mệnh để phối hợp sao cho hợp lý là đủ. Điều quan trọng ở đây là phải xác định được Hướng hậu (Sơn) hay Hướng tiền (Hướng), yếu tố nào có tác dụng mạnh hơn đối với con người cư ngụ trong căn nhà hay căn hộ đó.
Xác định Hướng
Theo nhiều tác giả và hợp với suy luận, Hướng hậu và Hướng tiền gọi chung là Hướng nhà phải nằm trên một đường thẳng đi qua tâm nhà. Xác định được Hướng tiền sẽ biết Hướng hậu.
Xuất phát từ một căn nhà tiêu chuẩn hình vuông, Hướng nhà sẽ đi qua điểm giữa cạnh trước và cạnh sau của nhà.

Ở đây lại nẩy ra một khái niệm mới: Trước (và Sau), thế nào là Trước.
Nếu ta quan niệm một người ngồi mặt, ngực, bụng bao giờ cũng hướng về phía trước thì một cái nhà chắc cũng không thể khác. Nếu Hướng chính là phía mắt ta nhìn tới thì một căn nhà có chiều dài áp sát một minh đường rộng rãi như bãi đá bóng chẳng hạn, ta cũng không thể theo “Thẩm thị Huyền Không học“ mà quyết định rằng đó chính là mặt trước của nhà nếu như bờ tường nhà phía này không có cửa sổ hoặc ít hơn hẳn so với các bờ tường phía khác. Đó là vì căn nhà ấy đang hướng về phía khác thông qua những cặp mắt cửa sổ của nó. Một cửa ra vào có thể thường xuyên đóng kín, nhưng các cửa sổ đưa ánh sáng, không khí vào nhà không mấy khi bị bịt kín.

Phong Thủy quan tâm đến Khí, phía tường có nhiều cửa sổ có lẽ là phía tiếp nhận Khí chính của căn nhà. Người ta nói nhiều về thuộc tính của Khí. Kinh nghiệm cũng ít nhiều chứng minh là khi một vật nhọn (tập trung ác khí) chĩa thẳng vào cửa sổ nguy hiểm với người trong nhà hơn là khi nó chĩa vào một bờ tường kín. Ngược lại, một cái cửa ra vào trổ rất đúng cát hướng nhưng nhìn vào bờ tường hàng xóm ở cự ly 1,5 thước thì cái Cát ấy cũng bằng không.

Các ngôi nhà, căn hộ trong thực tế có nhiều hình nhiều dạng, có lẽ trực quan người làm Phong Thủy có kinh nghiệm sẽ nhận ra được đâu là Hướng nhà thực sự. Cũng theo quan điểm đã trình bầy trên, Hướng tiền sẽ có ảnh hưởng chính yếu.
Trạch là gì?
Theo Tự điển Hán Việt của Đào Duy Anh từ Trạch có nhiều nghĩa trong đó có một cách viết chữ Trạch mang nghĩa là nhà ở, mồ mả. Từ đó có các từ ghép như trạch-khoán là khế ước bán nhà, trạch-ưu là nỗi buồn trong nhà. Danh từ đặc trưng cho nhà ở chắc phải ra đời ít nhất là khi người ta thôi ở hang và biết cất lều để cư trú. Do đó, nếu người Tàu không có từ nào thông dụng hơn từ Trạch để chỉ nhà ở bình thường /(TP không sành Hán tự )/ thì chắc khó thể chứng minh từ Trạch xuất xứ từ tiếng Việt cổ.

Phong Thủy Lạc Việt đưa ra khái niệm Trạch – như anh Thiên Sứ đã giải thích – khái niệm này không thể lẫn lộn với khái niệm Trạch trong từ Bát Trạch nói trên, vì khái niệm Bát Trạch này được xác định dựa vào Hướng hậu (Sơn) hoặc Hướng tiền (Hướng) của một ngôi nhà. Vì khái niệm Trạch trong Phong Thủy Lạc Việt có tương quan với long mạch, tức là mang yếu tố đường truyền dẫn Khí.Nên ta có thể có nhận xét là:
Trạch của một căn nhà là phần nối tiếp của một chi (nhánh) dẫn Khí xuất phát từ một nguồn Khí nhất định.

Do Khí tồn tại trong Hình, có những hình thể hiện Khí tụ, ngược lại những con đường là mạch khí vận hành định hướng. Ngõ vào nhà xuất phát từ một con đường xa lộ chắc chắn không thu được Khí tốt như khi xuất phát từ một khu vực tụ Khí. Với suy luận như vậy, Trạch sẽ là một thứ Khí mạch từ xa tới đi qua cửa chính của ngôi nhà và ra khỏi cửa thoái khí trở về với tự nhiên – như anh Thiên Sứ cho rằng: Thiết kế nhà nên tránh hiện tượng bế khí. Nếu vậy Trạch sẽ là con đường thuận tiện nhất để Khí sau khi qua cửa vào trong nhà tìm cửa Thoái khí mà ra ngoài. Nếu nhận xét này là hợp lý ta sẽ thấy nên bố trí nội thất sao cho Khí qua cửa chính đi vào trong nhà có thể qua hết các khu vực sinh hoạt chính để trục hết tà khí đi rồi mới ra ngoài trời. Nhận xét này ít nhất cũng hợp lý ở kinh nghiệm phong thủy, tránh không để cửa ra vào cùng các cửa trong và cửa sổ tường hậu hay cửa hậu thông nhau trên một đường thẳng là đường Khí đi ngắn nhất (Những tai hại xẩy ra không phải chỉ thuần túy vì gió lồng).

Trong một cuốn sách Phong Thủy, tác giả tuy không nên khái niệm Trạch, nhưng nhấn mạnh việc phải bố trí Khí khẩu sao cho Khí vào nhà không lưu thông với tốc độ quá cao không chỉ gây gió lồng ảnh hưởng đến sức khoẻ mà còn gây các thiệt hại tài lộc khác. Tác giả đề nghị nên bố trí để dòng khí lưu thông được dễ dàng lần lượt qua các khu vực chính trong nhà. Một cuốn sách khác nhấn mạnh rằng , đối với một tòa nhà thì xét Hướng tiền là quan trọng, nhưng trong nhà phải xét Khí khẩu theo Bát quái du niên, vì phải chú ý đến đường khí lưu chuyển.

Nhiều nhà tuy có cửa chính, nhưng phần lớn thời gian trong ngày chỉ dùng cửa phụ. Như vậy Trạch của họ chỉ mang tính lý thuyết. Khi xét cụ thể có lẽ phải xét Trạch của cửa phụ. Cũng qua cách suy luận trên đây ta phải đi đến kết luận là dù Trạch được bố trí tốt đẹp đến đâu, nhưng nếu nó không có nguồn Khí dồi dào nuôi cho thì cũng chỉ là Trạch giả. Thí dụ một căn nhà nhà cao cửa lớn nhưng lối vào phải lách qua mấy cái ngõ nhỏ xuyên qua sân nhà khác. Như vậy ý nghĩa của Trạch theo quan điểm Phong Thủy Lạc Việt không thể tách rời Hình Lý Khí của mội trường kiến trúc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0585662660
Liên hệ