CHUYÊN ĐỀ: NHỮNG HỆ LỤY TỪ VIỆC KHÔNG VẬN DỤNG KIẾN THỨC PHONG THỦY VÀ TÂM LINH TRONG QUY HOẠCH ĐÔ THỊ
Phong thủy Quy hoạch có tầm ảnh hưởng rất rộng lớn trong đời sống sinh hoạt của con người. Khi nói đến Phong thủy, có lẽ nhiều người thường chỉ nghĩ đến những việc như lựa chọn thế đất cho Mồ mả, hầu tạo Phúc lộc cho một Dòng họ, hay thiết kế – tu sửa Nhà ở, nhằm giúp cho một Gia đình gặp được nhiều may mắn, tránh được những tai họa. Tuy nhiên, điều mà ít người lưu tâm là ngoài những vấn đề trên, việc Quy hoạch đường sá, Nhà ở, cũng như luật lệ về đất đai, gia cư, kiến trúc… cũng ảnh hưởng rất lớn đến Phong thủy không chỉ cho một vài Gia đình, mà còn quyết định tới sự THỊNH – SUY của một khu vực hay thậm chí có thể đến cả Đất nước. Vì vậy, chuyên đề này Kiến Phong xin sơ lược một số vấn đề Phong thủy trong Quy hoạch để Quý vị có thể có cái nhìn bao quát hơn.
Khi đi vào Thiết kế Nhà ở mà trước đó có thiết kế Quy hoạch theo Phong thủy sẽ bảo đảm cho nhiều Gia đình đạt được các yếu tố tốt, khiến cho cuộc sống của họ được thoải mái, sung túc hơn, và qua đó cũng sẽ làm cho Xã hội được An bình, Thịnh vượng hơn. Ngược lại, nếu việc Quy hoạch và Thiết kế, luật lệ không đúng theo Phong thủy phần Dương( tính toán) và cả phần Âm( tránh phạm về Long Mạch) sẽ là nguyên nhân làm cho rất nhiều gia đình bị Phong thủy xấu, khiến cho họ bị nghèo đói, thất nghiệp, làm ăn thất bại, bệnh tật, gặp nhiều tai họa, hay trở thành phần tử xấu… thì không chỉ riêng bản thân họ phải khổ sở, mà Xã hội, Đất nước cũng vì thế mà trở nên suy thoái.
Trong Quy hoạch đô thị gồm 3 nội dung chính là: Quy hoạch Đường sá, Quy hoạch Đất đai và Quy hoạch Thiết kế, đó là những yếu tố quan trọng nhất cũng như có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới các khu dân cư nếu xét theo góc độ Phong thủy.
1. Quy hoạch Đường sá:
a. Xét Phong thủy Dương trạch:
+ Có thể với mỗi Địa phương hoặc Quốc gia đều có những phương thức hoạch định Đường xá riêng, tùy theo địa hình, nhu cầu, hay những quy hoạch đã có từ trước… nhưng nói chung là Đường sá cần phải được rộng lớn, thẳng, dài, chứ không nên chật hẹp, ngắn ngủi, nằm chéo với hướng nhà, hay chạy ngoằn ngoèo, xiên sẹo. Vì trong Phong thủy cho rằng Sông ngòi và Đường sá đều là những nơi dẫn khí đến, nhưng vì Sông ngòi là Thủy thật sự, mức độ dẫn khí của nó rất lớn, nên cần quanh co, uốn lượn để giảm bớt cường độ và sức mạnh của khí được dẫn đến, cũng như khí mới ngưng tụ để kết phát những vùng đất tốt theo Phong thủy. Còn đối với Đường sá chỉ là “hư thủy” (tức thủy hư ảo, hay không có thật), nên mức độ dẫn khí của nó yếu hơn Sông ngòi rất nhiều. Bởi vậy, Đường xá không những cần phải rộng, mà còn cần phải dài và thẳng thì mới đem được nhiều khí tới. Nếu đường càng rộng, càng thẳng, dài thì sẽ dẫn khí đến càng nhiều, càng mạnh cho mọi Ngôi nhà nằm dọc ở hai bên con đường đó. Mặc dù điều này vẫn chưa đủ để bảo đảm cho mọi nhà lúc nào cũng được tốt đẹp, mà còn tùy theo phương hướng của con đường được Quy hoạch, cũng như thời vận và thiết kế của từng căn nhà. Nhưng khi đắc thời vận thì Nhà ở nằm trên những con đường thẳng, dài, rộng sẽ được thịnh vượng, tốt đẹp ở mức tổi đa và sẽ hơn hẳn những nhà tuy cũng đắc thời vận và được thiết kế đúng, nhưng lại nằm trên những con đường ngắn, nhỏ hơn, hay bị cong queo hoặc uốn khúc.
Và ngược lại, nếu Đường sá được Quy hoạch càng ngắn thì khí được dẫn đến sẽ càng ít, khiến cho nhà cửa nằm ở hai bên đường dù đắc vượng khí tới phía trước, nhưng mức độ Thịnh vượng, tốt đẹp sẽ không bằng những nhà nằm trên những con đường dài và rộng. Trong trường hợp này, nếu con đường được quy hoạch rộng rãi thì còn tương đối đỡ, nhưng nếu nó lại chật hẹp thì khí đến sẽ càng ít hơn nữa, nên mức độ thịnh vượng, sung túc của khu vực này càng giảm thiểu. Nếu đường quá ngắn, quá hẹp thì dù nhà có đắc thời vận và được xây cất đúng Phong thủy cũng khó lòng giàu có lên được, hoặc giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn, đủ mặc mà thôi.
+ Mặt khác, có những khu dân cư mà đường sá được Quy hoạch theo những đường cong, hay ngoằn ngoèo, không nhất định. Đây là kiểu Quy hoạch đường sá xấu nhất bởi không những vì khí sẽ đến vừa chậm và yếu, mà còn vì tại mỗi điểm uốn của con đường, khí sẽ phải thay đổi (hay chuyển hướng) đột ngột mà trở thành Sát khí, khiến cho mọi nhà nằm trên con đường này dù đắc thời vận và thiết kế đúng Phong thủy cũng không thể phát lớn. Lại còn rất dễ mắc nhiều tai họa như làm ăn thất bại, phá sản, bệnh tật … nhất là vào lúc thời vận đã hết, hoặc thiết kế Nhà ở có bố trí chưa phù hợp Phong thủy.
Do đó, lối Quy hoạch Đường sá làm đường thẳng, dài và rộng là tốt nhất, không những vì sẽ khiến cho mọi nhà nằm hai bên đường khi gặp được thời vận tốt thì sẽ phát đến mức tối đa như đã nói ở trên, mà còn giúp cho cuộc sống của đa số gia đình cư ngụ trong khu vực được bình ổn, có mức sống về vật chất tương đối đều nhau, chứ không quá chênh lệch, tương phản, người giàu có sống bên cạnh người nghèo đói, khổ sở. Vì với lối Quy hoạch Đường sá như vậy thì khoảng 50% số căn hộ trong khu vực sẽ có cùng hướng với nhau và nửa còn lại sẽ thuộc hướng đối diện. Bởi vậy trong bất cứ thời vận nào (nếu tính theo 9 vận của Huyền không) thì tối thiểu cũng có khoảng 50% số căn hộ trong khu vực đắc thời vận và làm ăn phát đạt, khiến cho khu vực đó dù không được sung túc hoàn toàn, nhưng cũng không đến nỗi bị suy sụp. Ngược lại, nếu đến lúc mà cả hai hướng đều đắc thời vận thì hầu như toàn khu vực sẽ trở nên thật Thịnh vượng, có thể trở thành nơi tập trung toàn giới trung lưu hay thượng lưu của xã hội, tùy theo mức độ dài, rộng của đường sá được quy hoạch, cũng như thiết kế của mỗi nhà.. Ngược lại, nếu đường xá không được quy hoạch thẳng, mà làm ngoằn ngoèo, uốn lượn thì không những mắc phải những khuyết điểm đã được nói ở trên, mà còn làm cho mọi nhà nằm dọc theo hai bên đường đều có hướng nhà khác nhau, khiến cho vận khí cũng khác nhau. Cho nên, trong cùng một thời vận mà có nhà được đúng hướng nên làm ăn phát đạt, nhưng sẽ có nhiều nhà vì không đúng hướng mà sẽ phải suy bại, tạo nên tình huống nhà khá giả nằm ngay bên cạnh những nhà nghèo đói, khổ sở. Điều này Quý vị có thể thấy rất phù hợp trong thực tế. Vì vậy, nếu Quy hoạch Đường sá không thẳng hàng mà uốn lượn… thì sẽ biến một khu vực (hay rộng hơn là cả một thành phố) sẽ trở thành một nơi hỗn độn, tạp nham, sang hèn lẫn lộn, nên khó lòng được yên lành hay Hưng thịnh lớn. Nếu hầu hết mọi thành phố và khu vực trong một Quốc gia có Đường sá được quy hoạch như vậy thì Đất nước sẽ khó hoặc rất chậm trở nên giàu mạnh được.
+ Một vấn đề nữa là, mọi hướng nhà đều nên nằm trùng, hoặc gần sát với tọa độ chính giữa của 1 trong 24 hướng theo Trạch vận trong Phong thủy Huyền không. Vì vậy, khi Quy hoạch Đường xá thì phải làm thế nào để cho mọi Ngôi nhà nằm ở hai bên đường đều thuộc về những tọa độ đó. Ví dụ như nếu muốn thiết lập con đường từ Đông sang Tây hay từ Bắc xuống NAM thì con đường phải chạy thẳng từ Đông sang Tây hay từ BẮC xuống NAM chứ không được nghiêng lệch. Nếu có nghiêng lệch cũng chỉ có thể nhỏ hơn hoặc bằng 3 độ mà thôi. Nếu đường nằm lệch (tức đường chéo) trên 3 độ thì vận khí của mọi nhà nằm dọc theo con đường đó sẽ thay đổi và có thể phạm tuyến không vong( nhẹ thì Tiểu không vong, nặng thì Đại không vong), nên sẽ gây ra rất nhiều tai họa cho những Gia đình đó.
+ Một vấn đề nữa cần lưu ý, đối với khu dân cư thì một con đường tối thiểu cần phải dài trên 1km. Về chiều rộng thì tối thiểu phải đủ rộng cho xe có thể đỗ được ở hai bên đường, cộng với lối cho một xe ô t ô chạy ( đường 1 chiều), và tối đa là 2 ô tô chạy (đường 2 chiều). Với những con đường làm rộng hơn nữa thì đó là đường dành cho những khu vực kinh doanh, thương mại, chứ không thích hợp cho khu vực có dân cư sinh sống.
+ Mặt khác, tốc độ lưu thông của xe cộ trong khu vực dân cư cũng không nên quá nhanh, mà chỉ giới hạn trong khoảng dưới 40km/h, không những là để bảo vệ sự an toàn, tránh tiếng động…cho người sống hai bên đường, mà còn giúp cho khí không lưu chuyển quá nhanh. Có như vậy thì khí mới có thể ngưng tụ nhiều, và khiến cho những nhà ở hai bên đường càng được vượng phát hơn nữa một khi phía trước nhà đắc vượng khí.
+ Đối với Việt Nam là một nước đang phát triển, chắc Quý vị đều thấy Đường sá trong khu dân cư thường rất ngắn và nhỏ hẹp, lại không có quy củ, phương hướng nhất định, nên dù nhà có đắc thời vận thì giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn, chứ khó lòng giàu có lớn được. Vì vậy, đối với những người muốn tìm kiếm Nhà ở nếu có thể thì ngoài việc chọn Hướng tốt, còn cần chọn những nơi mà phía trước có Đường sá khá lớn, chứ không nên chọn lựa nhà trong ngõ hẻm vừa ngắn vừa chật hẹp, vì cuộc sống dễ bị bế tắc trong hiện tại hoặc sau này. Cũng có những nhà tuy không nằm trên con đường lớn, dài, nhưng vẫn giàu có nổi tiếng, hoặc có địa vị lớn trong xã hội… nhưng đó là do những nhà này nếu xét Phong thủy phần Dương thường nằm gần biển, sông, hồ, núi, đồi…, nếu xét phần Âm thì Dòng họ được hưởng Phúc lớn từ các đời trước để lại. Còn đối với nhà xa cách những địa thế thiên nhiên đó, nếu không nằm trên đường dài, lớn, cũng như thiết kế nhà không phù hợp thì sẽ không thể nào giàu có lớn được. Nếu có được Hướng tốt cũng chỉ là có dư dả chút ít, cũng như công ăn việc làm ổn định mà thôi.
b. Xét Phong thủy phần Âm:
+ Việc Quy hoạch Đường sá cần phải có sự tham gia của các nhà Tâm linh chân chính để biết được những nơi Huyệt Mạch lớn của Quốc gia mà tránh làm Đường cắt qua sẽ làm đứt Long Mạch và ảnh hưởng đến cả một khu vực rộng lớn. Chẳng hạn, Quý vị có thể nhìn thấy rất rõ trên bản đồ khi làm Hầm Thủ Thiêm đã cắt đứt Long Mạch tại vị trí Cảng Hàm Rồng( cắt ngang tại vị trí rộng nhất và cũng linh thiêng nhất của Sông Sài Gòn, nơi mà Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước). Khi làm đường hầm này đã xảy ra bao nhiêu biến cố, rất may khi làm xong đã có nhiều Đoàn Tâm linh vào đây để khắc phục hậu quả nên đến nay mới tạm yên ổn. Vì vậy, rất mong các nhà Quy hoạch đô thị không nên bỏ qua vấn đề Phong thủy và Tâm linh khi Quy hoạch Đường xá để tránh những hậu quả đáng tiếc và có thể làm tổn hại đất nước.
2. Quy hoạch Đất đai:
+ Có thể thấy rằng sau khi đã Quy hoạch được Đường sá cho rộng lớn và đúng hướng thì bước tiếp theo là phải Quy hoạch đất đai cho Nhà ở. Đây là một việc cũng rất quan trọng, bởi nếu Đường sá được hoạch định theo những phương hướng tốt, để cho mọi nhà đều có thể nhận được vượng khí (hay hiểu theo cách khác là được thời vận tốt), nhưng nếu Ngôi nhà lại nằm trên một mảnh đất quá bé( nhỏ hẹp), phía trước không có sân (hoặc sân quá nhỏ), phía sau bị bịt kín, hai bên hông sát vách với nhà hàng xóm… thì không những vừa tạo ra một cảm giác chật hẹp, tù túng cho người ở, vừa thiếu an toàn (trong trường hợp nhà chỉ có một lối ra vào duy nhất ở phía trước), vừa không thể đón nhận được vượng khí, nên dù nhà có hướng tốt cũng không thể phát đạt lớn. Hơn nữa mặc dù đường thẳng, dài, rộng thì sẽ đem nhiều khí tới, nhưng trên mặt đường thì xe cộ qua lại không ngừng, khiến cho khí luôn bị khuấy động và phân tán. Để dễ hiểu thì Quý vị có thể hình dung Khí như những loại bụi, hoặc bông gòn rất nhẹ nằm trên mặt đường. Một khi bị lực tác động (do sự di chuyển của xe cộ) thì chúng sẽ bay tán loạn, rồi dạt vào hai bên lề đường. Nếu nhà nằm quá sát mặt đường thì nhiều khi do lực di chuyển của bụi hoặc bông gòn còn quá mạnh, nên khi đụng phải tường vách thì chúng sẽ dội ngược trở ra, hoặc bay thẳng lên trên, chứ không vào nhà. Hơn nữa, chúng vẫn còn ở trong trạng thái đang bị phân tán, nên dù nhà có mở cửa thì khí vào được nhà trong lúc này cũng rất ít. Bởi vậy, nếu nhà có sân trước rất nhỏ, hoặc nằm sát mặt đường thì sẽ khó lòng nhận được vượng khí từ con đường đem tới, cho nên khó có thể phát lớn được. Và đây chính là trường hợp trong Phong thủy thường gọi là Nhà bị Sát khí cắt gót chân hay còn gọi là “Cát cước sát”. Đấy là chưa kể nhà nằm sát mặt đường còn dễ bị ảnh hưởng của những ô nhiễm như tiếng động, bụi đường, khói xe… nữa. Ngược lại, nếu nhà có sân trước trống, rộng thì sau khi bị đẩy dạt vào hai bên lề đường, khí sẽ từ từ lắng đọng và hội tụ mỗi lúc một nhiều ở đó, rồi mỗi khi nhà mở cửa thì sẽ theo bước chân người, gia súc, xe cộ hay gió…mà vào trong nhà.
Vì vậy, muốn đón nhận được vượng khí thì điều kiện trước hết là sân phía trước cần phải được rộng lớn, để cho khí có chỗ hội tụ lại. Nói như vậy có nghĩa là sân trước nhà càng lớn, càng rộng thì càng tốt, chính vì vậy nên những Dinh thự, lâu đài của các Vua chúa, Quan chức thời xưa thường có sân rất lớn. Đương nhiên là đối với hầu hết nhà cửa bình thường thì sẽ không đủ khả năng về tiền của hoặc đất đai để có được sân trước rộng lớn như thế, nhưng vẫn cần phải đủ lớn để cho khí có chỗ tụ hội ở phía trước. Vì vậy, trong việc Quy hoạch Đất đai thì không thể chỉ có một mảnh đất vừa đủ để cất nhà trên đó, mà cần hoạch định cho mỗi căn nhà có một mảnh đất đủ lớn và rộng để vừa có thể xây nhà, vừa có được một sân trước trống thoáng và đủ lớn để đón lấy khí từ phía trước. Nếu phải nói đến kích thước cụ thể thì một căn nhà tối thiểu phải nằm cách lề đường từ 6 đến 10m, tùy theo mức độ dài, rộng của con đường, cũng như tốc độ xe chạy trên con đường đó là nhanh hay chậm mà quy định.
+ Ngoài vấn đề Nhà cần phải có sân trước đủ lớn để đón lấy khí từ con đường tới thì phía sau nhà cũng cần có sân lớn bằng (hoặc hơn) sân phía trước, chứ không thể bịt kín, hoặc có nhà hàng xóm nằm áp sát phía sau được. Vì nếu đã thiết lập đường xá để cho mọi hướng nhà đều thuộc tọa độ chính giữa của 24 hướng (hoặc lệch sang bên phải hay bên trái khoảng 3 độ) thì mọi nhà đều sẽ đắc vượng khí tới phía trước hay phía sau căn nhà mà thôi (tùy theo từng vận). Do đó, nếu chỉ có sân trước mà không có sân sau thì sẽ chỉ phát được trong những vận có vượng khí tới hướng. Còn trong những vận có vượng khí tới phía sau thì sẽ bị suy bại nặng mà trở nên nghèo đói, khổ sở. Ngược lại, nếu phía sau cũng có sân lớn, cửa sau để ra, vào thì nhà sẽ đón nhận được vượng khí đến nơi đó, nên vẫn làm ăn phát đạt, cuộc sống yên ổn, sung túc. Ngoài ra hai bên hông cũng cần có một khoảng từ 1m đến 1,5m mỗi bên để có lối đi bên hông nhà. Có như vậy thì mới có thể sử dụng được cửa sau (cũng như đóng cửa trước) trong trường hợp vượng khí đến phía sau nhà. Chứ nếu 2 bên hông bị nhà hàng xóm áp sát, không có lối đi thì vấn đề sử dụng cửa sẽ không còn được linh hoạt nữa, nên mức độ tốt sẽ bị giảm đi rất nhiều. Hơn nữa, việc chừa một khoảng trống ở hai bên cũng giúp tạo khoảng cách đối với những nhà bên cạnh, nên vừa tránh được tiếng động, xích mích, tranh chấp do nhà cửa quá sát, hoặc hóa giải phần nào ảnh hưởng do thiết kế xấu của những nhà đó đối với nhà mình ở, khi đó vừa tạo được cảm giác thoải mái, dễ chịu cho người ở, cũng như sau này nếu có muốn tu sửa nhà cửa hoặc những phần bên hông nhà cũng được tiện lợi và dễ dàng hơn. Lối Quy hoạch này ta có thể nhận thấy ở các nước phát triển trên thế giới như Mỹ trước đây, tuy nhiên những năm gần đây cũng có nhiều thay đổi, chẳng hạn phía sau một căn hộ nào đó bây giờ thường tiếp giáp với Căn hộ khác mà không có đường vào( Hai căn hộ quay lưng vào nhau) sẽ là những hạn chế về mặt Phong thủy. Còn ở Việt Nam chúng ta thì cũng vậy, đặc biệt là các thành phố lớn tập trung đông dân nên * Tấc đất tấc vàng* mà khó có chỗ cho những Quy hoạch phù hợp Phong thủy như Kiến Phong phân tích ở trên.
+ Một vấn đề nữa liên quan đến quyền hạn sử dụng đất, đó là việc áp đặt luật lệ lên Đất đai và Nhà ở của nhân dân thì chính quyền địa phương cần phải có sự cân nhắc, cẩn thận, cũng như uyển chuyển, linh hoạt, chứ không thể thực thi một cách quá cứng nhắc, nghiêm ngặt, vì sẽ đẩy bao nhiêu gia đình vào cảnh lầm than, đói khổ. Ví dụ như vấn đề trồng cây xanh tuy là một điều tốt, vì vừa tạo được bóng mát, vừa giúp chống ô nhiễm trong không khí. Nhưng nếu muốn trồng thì nên tìm những vùng đất trống, hoặc tạo dựng những khu vực thích hợp như công viên, vườn cây, sân chơi… Còn nếu muốn trồng trong khu dân cư thì chỉ nên trồng ở khoảng giữa từ nhà này sang nhà khác, chứ không thể trồng cây ngay phía trước, hoặc ngay chính giữa mặt tiền nhà, hay cây nằm chắn ngay trước cửa… thì đều là những điều xấu, mà khiến cho người ở trong đó đều suy bại, nếu nhà đắc vượng khí của Hướng tinh tới phía trước. Một điều nữa là cây cũng cần phải cách xa nhau, tối thiểu khoảng 15- 20m, hoặc cứ cách 2 đến 3 căn nhà hãy nên trồng một cây, để khi chúng lớn lên thì cành lá vẫn không tủa ra che phủ hết khoảng trống từ cây này tới cây khác, mà trong khoảng đó vẫn phải có chỗ hở khá lớn, để cho ánh sáng có thể chiếu xuống mặt đất được. Có như vậy khí mới có thể đến mà giúp cho nhà cửa được hưng vượng. Ngoài ra, nếu muốn trồng cây trong khu dân cư thì cây nên nằm cách xa nhà tối thiểu là 6m, chứ nếu chúng nằm gần nhà quá thì sức khỏe của người trong nhà suy kém, dễ bị đau ốm, bệnh tật, tai họa, hoặc trong nhà có Vong, nhất là sau này khi chúng đã to lớn, vì cây là nơi phát xuất và tích tụ âm khí, hay hiểu Nôm na là Cây cao bóng cả sẽ có người Âm ngự. Đó là chưa kể nếu nằm gần thì sau này rễ cây thường đâm ra phá hủy nền móng căn nhà, cũng như lúc có gió to, bão lớn làm cây bị gãy đổ thì không những sẽ gây thiệt hại cho nhà cửa, mà có khi còn làm nguy hiểm đến tính mạng của người sống gần nó nữa. Vì vậy, không những là cây cần nằm cách xa nhà, mà chiều cao của nó cũng chỉ nên bằng, hoặc hơn khoảng cách từ căn nhà tới nó chừng 1 – 2 mét mà thôi. Nếu cây đã lớn quá mức đó thì cần phải chặt bỏ mà trồng cây khác, nhưng khi chặt thì cũng nên làm Lễ xin đàng hoàng để mời các Vong linh ngự sang cây khác nếu không có thể gây tai họa. Có như vậy thì nhà ở mới không bị ảnh hưởng bởi Âm khí từ cây phát ra, cũng như không bị sự hiện diện của nó đe dọa tới tính mạng hay tài sản của người ở. Tóm lại, việc áp đặt trồng cây trước nhà mà không cho chặt bỏ sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến vận khí Nhà ở, và sẽ biến tốt thành xấu đối với mọi nhà có vượng khí của Hướng tinh đến phía trước.
Ngoài ra còn một số việc khác như đặt cột điện, đường dây điện, rác rưởi, hệ thống cống rãnh…tuy nhiên, những điều này đều không có ảnh hưởng mạnh lắm. Riêng vấn đề đặt cột điện thì chỉ cần tránh đặt ngay phía trước nhà, mà nên đặt ở khoảng giữa hai căn nhà là được. Việc đặt đường dây điện, điện thoại, thùng chứa rác, cũng như việc thu lượm rác rưởi đều nên đặt hoặc làm ở phía sau (nếu theo lối quy hoạch phía sau có đường đi). Như thế vừa giúp cho phía trước nhà được đẹp mắt, lịch sự, sạch sẽ, tao nhã hơn, vừa tăng cường động khí nơi phía sau, nên trong trường hợp nào cũng sẽ giúp cho vận khí của mọi nhà được tốt đẹp hơn. Còn hệ thống cống rãnh thì chỉ nằm kín dưới lòng đất, nên ảnh hưởng không đáng kể. Vì vậy chỉ cần đặt theo những con đường trước nhà để thoát nước mau lẹ, tránh được lụt lội, hầu giúp cho vấn đề xe cộ lưu thông được suôn sẻ là tốt.
3. Quy hoạch Thiết kế:
Ngoài việc Quy hoạch đường xá, cũng như Quy hoạch Đất đai cho Nhà ở thì việc Quy hoạch (hoặc không Quy hoạch) thiết kế tại những khu dân cư của chính quyền địa phương cũng có ảnh hưởng rất lớn đến mọi nhà trong khu vực đó. Vì vậy, để tạo được những ảnh hưởng tốt đẹp đến cuộc sống của người dân thì tối thiểu cũng cần có những quy định về thiết kế Nhà ở tại các khu dân cư như sau:
– Mọi nhà trong khu vực đều phải được xếp đặt (hay quy hoạch) cho ngay hàng thẳng lối, cũng như cách nhau một khoảng nhất định, chứ không nên nằm ngang dọc hay xiên xẹo, hoặc áp sát nhau.
– Kích thước của mọi căn nhà trong một khu vực đều phải tương đối đồng đều, hoặc cân xứng với nhau, chứ không thể quá chênh lệch. Chẳng hạn như căn nhà thấp, nhỏ, chỉ cao 1 tầng thì không thể nằm bên cạnh, hoặc đối diện một căn nhà cao 10, 15 hay 20 tầng được, vì như thế sẽ gây ra nhiều tai họa cho căn nhà nhỏ, thấp đó. Còn tai họa gì sẽ xảy ra cho họ là tùy thuộc vào trạch vận của căn nhà.
– Đòn dông (mũi chéo trên mái) của mọi căn nhà đều nên đặt nằm theo hai phía trước, sau của căn nhà( kiểu hai mái đổ sang hai bên chia đôi theo chiều dọc nhà), chứ không nên đặt nằm chỉ sang hai bên hông( kiểu hai mái đổ về trước và sau chia đôi theo chiều ngang nhà). Lý do vì những nhà nằm ở hai phía trước, sau của một căn nhà thường sẽ cách nhà đó một khoảng khá xa, cho nên đã hóa giải được phần nào ảnh hưởng xấu của đòn dông. Ngược lại, những nhà nằm ở hai bên hông thường gần hơn, nên nếu đặt đòn dông chỉ sang hai bên thì những nhà đó sẽ bị ảnh hưởng xấu của đòn dông “đẩy” tới. Đây là những đòi hỏi tối thiểu trong việc Quy hoạch thiết kế theo Phong thủy nhằm giúp cho mọi nhà trong khu vực không tạo ra ảnh hưởng xấu cho nhà lân cận, rồi kế đến mới có thể nói đến việc thiết kế nhà tốt đẹp theo đúng Phong thủy hay không.
Tóm lại, trên đây Phong thủy việt chỉ nhấn mạnh một số vấn đề chính thuộc phạm vi Phong thủy Quy hoạch ngõ hầu mang đến cho Quý vị những tham khảo mở rộng hơn trước khi đi vào Thiết kế chi tiết Phong thủy và Kiến trúc một ngôi nhà nào đó. Chúng ta không nên xem xét cục bộ một Ngôi nhà mà cần phải quan tâm đến tổng thể cả khu vực đó xem tốt xấu ra sao thì mới hợp quy luật của Tự nhiên để mà làm đúng theo quy luật đó được !