Thướng Sơn, Hạ Thủy

 Thướng Sơn, Hạ Thủy 

“Thanh nang Tự” viết: “Long thần trên núi không được xuống nước, Long thần dưới nước không được lên núi”. Đây là 1 nguyên lý trọng yếu của Huyền Không, hay như Thẩm trúc Nhưng nói là “then chốt của cát, hung, họa, phúc”. 
Như chúng ta đã biết “Sơn quản nhân đinh, Thủy quản tài lộc”. Chữ “Sơn” ở đây không những chỉ nói về “Núi”, mà còn dùng để ám chỉ những phi tinh của Sơn bàn (tức Sơn tinh). Cũng như chữ “Thủy” ở đây không những chỉ nói về “Nước”, mà còn dùng để ám chỉ những phi tinh của Hướng bàn (tức Hướng tinh). Cho nên Sơn tinh chủ về nhân đinh, Hướng tinh chủ về tài lộc. Chính vì thế nên khí sinh, vượng của Sơn tinh cần đóng tại những nơi có núi hay gò đất cao, hay những nơi có nhà cửa, cây cối cao lớn. Như thế là những cách cuộc Sơn tinh đắc cách, chủ người trong nhà tài giỏi, đông đúc, thành công sớm, tên tuổi vang dội… Còn khí sinh, vượng của Hướng tinh thì cần đóng tại những nơi có sông, hồ, ao, biển, đường rộng, ngã ba, ngã tư hay cửa ra vào… Đó là những cách cuộc Hướng tinh đắc “Thủy”, nên tài lộc của gia đình sẽ không bao giờ thiếu, công việc làm ăn ổn định…


Ngược lại, nếu những nơi có khí sinh, vượng của Sơn tinh lại không có núi hay nhà cao, cây cao, nhưng lại có Thủy của sông, hồ, ao, biển, hoặc là những vùng thấp, trũng… thì sẽ chủ gia đình ly tán, cô quả, tuyệt tự hoặc yểu chiết… Cho nên mới nói “Long thần trên núi không được xuống nước”. Chữ “Long thần trên núi” thực ra là để ám chỉ Sơn tinh. Sơn tinh nếu là khí sinh, vượng so với đương vận thì không thể đóng tại những nơi thấp, trũng hoặc có nước (hạ thủy), kẻo nếu không thì sẽ có tai họa cho nhân đinh.


Tương tự như thế, nếu những nơi có khí sinh, vượng của Hướng tinh lại không có Thủy của sông, hồ, ao, biển, đường đi hoặc cửa ra vào…, nhưng lại có núi hay nhà cao, cây cao thì sẽ chủ tài lộc khó khăn, công việc làm ăn lụn bại, gia cảnh lầm than, sa sút. Cho nên mới nói “Long thần dưới nước không được lên núi”. Chữ “Long thần dưới nước” là để ám chỉ Hướng tinh. Hướng tinh nếu là khí sinh, vượng so với đương vận thì không thể đóng tại những nơi cao ráo hoặc có núi đồi (thượng sơn), kẻo nếu không sẽ có tai họa về tiền bạc. Đây chính là cách cuộc “Thượng sơn, Hạ thủy” trong Huyền không học.




Thí dụ: nhà tọa Sửu hướng Mùi, nhập trạch trong vận 8. Nếu lập trạch vận thì sẽ thấy tinh bàn của căn nhà như sau:



Trước hết xét về Sơn tinh, ta thấy các khu vực TÂY, TÂY BẮC và ĐÔNG BẮC của căn nhà này có các số 9, 1, và 8, tức là những sinh, vượng khí của Sơn tinh (so với đương vận, tức vận 8). Nếu những khu vực này chỉ toàn là sông, hồ, hoặc đường đi, chứ không có núi hay nhà cao thì nhà này đã phạm cuộc “Hạ thủy”, chủ nhân đinh suy bại. Sau đó, lại xét về Hướng tinh, ta thấy các khu vực phía BẮC, NAM và TÂY NAM có các số 9, 1 và 8, tức là những sinh, vượng khí của Hướng tinh trong vận 8. Nếu những khu vực này không có Thủy, mà lại có núi đồi hay nhà cao, cây cao, thì căn nhà này còn phạm thêm cuộc “Thượng sơn”, chủ suy bại cả về tài lộc nữa.


Cũng tương tự như những trường hợp “vượng Sơn, vượng Hướng” (hay “Đáo Sơn, Đáo Hướng”) là trên lý thuyết thì các nhà Phong thủy thường cho những nhà có vượng tinh của Hướng đến tọa, vượng tinh của Sơn đến hướng là thuộc cách cuộc “Thượng sơn, Hạ thủy”, và gọi những nhà lập trạch vận theo những hướng đó là những nhà có “Hỏa Khanh tuyến” (tức hướng xấu hay bần tiện). Nhưng trên thực tế thì còn phải tùy thuộc vào bối cảnh Loan đầu bên ngoài của căn nhà đó như thế nào rồi mới có thể kết luận là nhà đó có bị “Thượng sơn, Hạ thủy” hay không được.


Thí dụ: nhà tọa Khôn hướng Cấn, xây và vào ở (nhập trạch) trong vận 8. Nếu lập trạch vận thì tinh bàn căn nhà sẽ như sau:


Trước hết xét về Sơn tinh, ta thấy khu vực ĐÔNG BẮC có Sơn tinh 8, tức là vượng khí của Sơn tinh tới hướng, nên trên lý thuyết là phạm cuộc “Hạ thủy” (vì vượng tinh của Sơn tới hướng (phía trước nhà). Nhưng nếu khu vực này không có sông, hồ, ao, biển, mà lại có núi đồi hay nhà cao, thì vượng khí của Sơn tinh nhà này đã đắc cách, tức là đóng tại chỗ có cao sơn thực địa, cho nên trong nhà nhân đinh vẫn đông đúc, chứ không bị suy bại. Sau đó lại xét tới Hướng tinh, ta thấy khu vực phía TÂY NAM có Hướng tinh 8, tức là vượng khí của Hướng tinh tới phương tọa, nên trên lý thuyết là phạm cuộc “Thượng sơn”. Nhưng nếu khu vực này không có núi, đồi hoặc nhà cao, mà lại có Thủy hoặc đường đi, cửa ra vào… thì vượng khí của Hướng tinh nhà này vẫn đắc cách, tức là đóng tại chỗ có Thủy nên tiền của, tài lộc của gia đình này vẫn dồi dào, sung túc.


Cho nên điều quan trọng là phải phối hợp phương vị của phi tinh với địa hình bên ngoài thì mới có thể xác quyết được chính xác mọi trường hợp tốt, xấu, chứ không thể mới nhìn thấy 1 căn nhà có vượng tinh của Hướng tới phía trước, vượng tinh của Sơn tới phía sau mà đã vội cho là căn nhà tốt. Hoặc mới thấy 1 căn nhà có vượng tinh của Hướng tới phía sau, vượng tinh của Sơn tới phía trước mà đã vội cho là căn nhà xấu thì sẽ dẫn tới những sai lầm đáng tiếc.


Một điểm cần chú ý khác là tuy Sơn tinh cai quản về nhân đinh, và cần đóng tại những chỗ cao sơn thực địa, nhưng chỉ có những sinh, vượng khí của Sơn tinh mới nên gặp núi đồi hoặc nhà cao mà thôi. Còn những khí suy, tử của Sơn tinh thì lại không nên đóng ở những nơi đó, mà chỉ nên đóng ở những chỗ bằng phẳng hoặc có Thủy mà thôi. Nếu chẳng may mà nhà lại có khí suy, tử của Sơn tinh đóng tại những chỗ cao hoặc núi đồi thì sẽ gặp tai họa do những đối tượng đó gây ra. Thí dụ như hiện tại đang trong vận 8, nên nếu 1 nhà có sơn tinh Thất xích (số 7) đóng tại khu vực có núi hay nhà nhà cao chót vót thì sẽ bị tai họa do Sơn tinh Thất xích mang tới. Vì Thất xích là biểu tượng của kẻ tiểu nhân hay giặc cướp, nên nhà này sẽ thường xuyên bị bọn trộm cướp tới phá phách, hoặc ra ngoài bị kẻ tiểu nhân tìm cách hãm hại…


Tương tự như thế, đối với Hướng tinh tuy cai quản về tài lộc, và cần đóng tại những chỗ thấp trũng hoặc có thủy, nhưng chỉ có những sinh, vượng khí của Hướng tinh mới cần thỏa mãn điều kiện này mà thôi. Còn đối với những suy, tử khí của Hướng tinh nếu gặp Thủy sẽ chủ gây ra những tổn thất về tiền bạc, hoặc những bệnh tật, tai họa, tùy theo tính chất của Hướng tinh đó như thế nào.


Lấy thí dụ như 1 nhà trong vận 8, có hướng tinh Nhị hắc gặp thủy, cho nên nhà này vừa bị hao tiền, vừa thêm bệnh tật nhiều, nhất là về tỳ vị, sảy thai, hỏa hoạn, hình ngục, tai nạn xe cộ. Trong nhà dễ có quả phụ hoặc ni cô…


Cho nên đối với những Hướng tinh là khí suy, tử thì lại nên đóng ở những chỗ cao ráo hoặc yên tĩnh. Có như thế thì mới tránh nỗi họa mà thôi. Còn nếu như khí suy, tử của Sơn tinh mà còn đóng ở những nơi có núi hay nhà cao, khí suy tử của Hướng tinh đóng ở những nơi có thủy hoặc cửa nẻo ra vào nhà thì tức là cảnh “HUNG TINH ĐẮC CÁCH”, tai họa còn khủng khiếp hơn là cách cục “thượng Sơn, Hạ Thủy” nữa.


Nói tóm lại thì sinh, vượng khí của Sơn tinh phải đóng ở những chỗ cao ráo, còn sinh, vượng khí của Hướng tinh cần gặp thủy. Nếu được như thế là nhà có phúc, có lộc, còn nếu ngược lại là cảnh bần tiện, nghèo hèn. Cho nên người học Huyền không phải dựa vào những tiêu chuẩn này mà chọn phương lập hướng cho đúng, tức là phải kiếm cho được những nhà đắc “vượng Sơn, vượng Hướng” (hay “Đáo Sơn, Đáo Hướng”), và phải xa lánh những nhà có cách cuộc “Thượng Sơn, Hạ Thủy” mới được. Ngoài ra cũng cần phải để ý, không bao giờ để cho những khí suy, tử của Sơn, Hướng tinh có thể trở thành “Hung tinh đắc cách” mà gieo rắc tai họa cho người ở trong nhà được.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0585662660
Liên hệ