ÂM DƯƠNG

ÂM DƯƠNG
GIỚI THIỆU VỀ HỌC THUYẾT ÂM DƯƠNG
Âm dương là một học thuyết tối cổ, đa dạng phức tạp và la một trong cửu lưu (Nho gia, Đạo gia, âm Dương gia, Phật gia, Danh gia và Mặc gia, Tung Hoành gia, Tạp gia, Nông gia) của xã hội Trung Hoa cổ.
Âm dương còn gọi là “lưỡng nghi”, “thư hùng”, “kỳ ngẫu”..vv. Hình tượng của âm dương được biểu thị trong hình tròn “Thái cực” chia ra làm hai phần đen trắng: trắng là dương, đen là âm. Trong phần đen có 1 chấm trắng và trong phần trắng có 1 chấm đen (biểu thị trong dương có âm, trong âm có dương. có sách cho rằng âm trưởng dương tiêu, dương trưởng âm tiêu, âm dương hòa hợp phối nên vạn vật. Thuần âm hay thuần dương gọi là cô âm và cô dương, không thể tạo nên sự vật).
Theo sử sách, học thuyết âm dương xuất hiện rất xa xưa – từ thời vua Phục Hy thấy con long mã xuất hiện trên sông Hoàng Hà. Nhìn vào chấm đen chấm trắng trên lưng con vật này mà phân biệt âm dương. Đến đời vua Hạ, âm dương được chép lại bằng vạch liền/vạch đứt: vạch liền là dương, vạch đứt là âm. Và cũng từ hai vạch liền/đứt này phối hình thành tứ tượng, thành bát quái, rồi bát quái hình thành lên bộ dịch – một đạo rất lớn đối với các học thuật cổ Trung Hoa.

NỘI DUNG CỦA ÂM DƯƠNG
Âm dương có thể chuyển hóa lẫn nhau, đồng thời lại dựa vào nhau mà tồn tại phát sinh (theo Lão tử thì âm dương chỉ là trạng thái khác nhau khi 1 khí vận hành, thăng lên là dương, hạ xuống là âm). Quy luật của âm dương là:

  • Tiêu, trưởng: âm trưởng thì dương tiêu, dương trưởng thì âm tiêu
  • Chuyển hóa: âm chuyển hóa (hay biến) ra dương, dương chuyển hóa (biến) ra âm.
  • Biến thông: âm dương khi chuyển hóa thì vận hành, vận hành thì thông (nên gọi là biến thông). Âm dương không thông thì trời đất không tồn tại. Sự biến hóa của âm dương xét về lý thì gọi là “đạo”, xét về hình thì gọi là “khí”.

VẬN DỤNG HỌC THUYẾT ÂM DƯƠNG TRONG MÔN PHONG THỦY
24 sơn phân biệt âm dương
Posted Image</p>
Áp dụng học thuật âm dương vào môn phong thủy, trong 24 sơn của la kinh người ta phân biệt ra âm sơn và dương sơn, căn cứ vào “long nhập thủ” mà phối hợp hướng: âm long dùng âm hướng, dương long dùng dương hướng.


24 sơn trong tam nguyên long huyền không lập mệnh
Posted Image


Khi lập trạch mệnh bàn “cửu cung ai tinh huyền không”, theo âm hay dương của sơn như trên, khi tinh nhập trung cung biết phi thuận hay phi nghịch.

Thế đất, thế thủy âm hay dương
Khi ra thực địa thực hành phong thủy, phong thủy gia phải phân biệt được âm dương của thế đất/thế thủy:

  • Âm là gò cao, khí trầm sâu;
  • Dương là bình địa, lõm trũng khí phù cạn.
  • Âm long là thế đất từ hữu (phải) chạy sang tả (trái). Gọi là “hữu hành”.
  • Dương long là thế đất từ tả (trái) chạy sang hữu (phải). Gọi là “tả hành”

Áp dụng: trong pháp thức “Thập nhị thần”, khi áp dụng khởi chia ra ra làm hai phần: dương thuận (1), âm nghịch (2), chính là dựa vào quan sát thế đất trên thực tế mà phân biệt ra dương long hay âm long, từ đó mới biết khởi thuận hay khởi ghịch theo pháp quyết trên (dương long khởi thuận, âm long khởi nghịch). Do đó, đối với người chưa nắm bắt được yếu quyết này thì “đất sinh thành tử, đất tử thành sinh là vậy. Đó là về sơn, còn về thủy:

  • Thủy lưu âm: là dòng chảy từ phía hữu (phải) qua phía tả (trái)
  • Thủy lưu dương: là dòng chảy từ phía tả (trái) qua phía hữu (phải)

Long cục và thủy hướng phải nghịch hành phối nhau mới cát tường, tức là long cục âm hành thì phải kết hợp với thủy cục dương hành; long cục dương hành thì phải kết hợp với thủy cục âm hành. Đó là nguyên tắc âm dương hòa hợp của thế đất thế thủy, còn nếu long và thủy đồng hành với nhau thì dù có hợp mạch với nhau cũng ít cát tường.

Thập can, 12 chi, bát quái phân âm dương
Posted Image


Khi sử dụng phi độn các tinh trực ngày và giờ lần lượt nhập trung cung (cửu cung), để biết độn thuận hay độn nghịch phải biết thời gian lúc bấy giờ là âm độn hay dương độn.
Nhà cửa thì gọi là dương trạch hay dương cơ, phần mộ thì gọi là âm trạch hay âm phần. Khi làm nhà, xây dựng phòng ốc đều phải lấy số dương/lẻ để thiết kế: cột, kèo, cấp cầu thang, gian phòng, gian nhà..vv.
Mưa là âm, gió là dương; lạnh là âm, nóng là dương. Bên ngoài là âm, bên trong là dương. Bên tay phải là âm, bên tay trái là dương nên gọi là nam tả nữ hữu. Hướng Tây là âm, hướng Đông là dương. Sườn núi phía Bắc là âm, sườn núi phía Nam là dương; bờ sông tính từ trên thượng nguồn xuống thì bờ Nam là âm, bờ Bắc là dương.
Về y học thì hàn là âm, nhiệt là dương. Hư là âm, thực là dương. Huyết là âm, khí là dương. Tạng là âm, phủ là dương. Bụng là âm, lưng là dương. Ức chế là âm, hưng phấn là dương.

Phi độn
Dương thì phi độn thuận cung ->từ nhỏ tới lớn. Khởi dương thì tính thuận từ trái qua phải, tuần tự theo thứ tự của Can Chi trong la kinh.
Âm thì phi độn nghịch cung -> từ lớn tới nhỏ. Khởi âm thì tính nghịch từ phải qua trái, ngược với thứ tự của Can Chi trong la kinh.

Kết luận
Âm hay dương rất quan trọng, chỉ cần lẫn lộn âm dương thì việc thành hóa bại, việc đúng hóa sai. Nhất thiết khi dùng phải thật rành rẽ âm dương. Trong phong thủy có hai nguyên tắc: âm lai, dương thụ; dương lai, âm thụ rất quan trọng trong việc xác định huyệt vị:

  • Nơi đất bằng phải tìm huyệt nơi gò cao, thế đất cao để táng mộ
  • Nơi đất gò đồi phài tìm huyệt tại chỗ đất bình hay lõm để táng mộ
  • Nơi khí gấp gáp, cương mãnh phải tìm nơi hòa hoãn mà táng
  • Nơi khí hòa hoãn phải tìm nơi khí gấp gáp mà táng
  • Nơi âm thịnh phải tìm được chỗ dương suy
  • Nơi dương thịnh phải tìm được chỗ âm suy

Đó là quy tắc “thư hùng giao hội”, ngưỡng phục sắp bày. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0585662660
Liên hệ