Chuyện về ngôi mộ song huyệt sinh ra danh tài

Chuyện về ngôi mộ song huyệt sinh ra danh tài

 Những câu chuyện liên quan đến phong thuỷ ngôi mộ vẫn luôn là điều bí ẩn, khó lý giải thoả đáng. Việc mồ mả tổ tiên ông bà có tác động như thế nào đến đời sống hưng thịnh của con cháu nơi dương thế vẫn chưa thể lý giải thoả đáng.

 ngoi mo song huyet
Chuyện phong thủy về ngôi mộ song huyệt
1. Thực hư về thế đất “thần bút chấm thuỷ”
Nhiều hiện tượng trùng hợp ngẫu nhiên về sự “phát” đường tài lộc sau khi người thân được mai táng, đặc biệt là trường hợp ngôi mộ chung của hai vị thân phụ của trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng và trạng nguyên Nguyễn Thiến vẫn khiến người trong dòng họ tin vào điều đó.
Ngôi mộ đặc biệt này có tuổi đời lên đến gần 600 năm, được con cháu của dòng họ Nguyễn làng Canh Hoạch bảo vệ, hương khói cho đến giờ vẫn còn nguyên vẹn. Trong tâm thức những người con của dòng họ Nguyễn làng Canh Hoạch, cũng như họ Nguyễn ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh thìNGÔI MỘ này được xem là mộ phát tích. Nó khởi đầu cho sự hiển đạt khoa cử của hai dòng họ suốt hàng trăm năm qua. Cũng trong tâm thức hậu duệ của trạng cậu, trạng cháu hiện nay (Nguyễn Đức Lượng và Nguyễn Thiến) chính nhờ tiên tổ được táng ở thế đất mà xem phong thuỷ thấy hiếm có nên con cháu đời sau mới hưởng lộc, đỗ đạt, nổi danh văn chương, thơ phú đến thế.
Câu chuyện về ngôi mộ kỳ lạ này do chính ông Nguyễn Văn Thắng (69 tuổi, tộc trưởng của dòng họ Nguyễn làng Canh Hoạch) trực tiếp kể lại cho PV. Theo ông Thắng, ngôi mộ này độc đáo ở chỗ có hai huyệt. Hai người được táng ở đây là cụ Nguyễn Doãn Toại, vị tiên tổ của dòng họ Nguyễn đất Tiên Điền, Hà Tĩnh, cụ thứ hai là cụ Nguyễn Bá Ký (tiến sĩ của khoa thi Quang Thuận thứ 4 năm 1463.
Khoa thi năm đó đỗ đầu là trạng nguyên Lương Thế Vinh), tiên tổ của họ Nguyễn ở làng Canh Hoạch. Theo vị tộc trưởng đáng kính của dòng họ Nguyễn làng Canh Hoạch, khu đất táng mộ này là kết quả của một thầy phong thuỷ tìm kiếm trong suốt một năm trời.
Khởi nguyên của câu chuyện chọn đất đặt mộ là thời điểm năm 1492, khi cụ Nguyễn Đức Lượng (con trai độc nhất của cụ Bá Ký) vừa tròn 28 tuổi thì không may cụ Bá Ký qua đời. Cụ Đức Lượng, muốn xem ngày tốt xấu và tìm một vị trí đất tốt để đặt mộ cho cha khi tiến hành cải táng mang theo hy vọng con cháu đời sau đạt được vinh hiển.
Cụ Nguyễn Đức Lượng đã khổ công tìm thầy địa lý về nhà và may mắn cụ đã gặp được thầy phong thủy giỏi. Để được thầy địa lý xem đất, cụ Lượng trân trọng tiếp đãi hậu hĩnh thầy phong thuỷ này hơn một năm trời. Sau một thời gian tìm hiểu địa thế, thầy địa lý đã mách cho cụ Đức Lượng một nơi có thế phong thủy hiếm có.
Thầy khẳng định, nếu đặt ngôi mộ cụ Nguyễn Bá Ký nơi này thì con cháu về sau sẽ thành đạt mà khó có dòng họ nào sánh bằng. Điều lạ là mảnh đất ấy không phải ở đâu xa mà chính là gò đất nằm sát làng. Việc đó khiến cụ Đức Lượng mừng khôn xiết, chỉ chờ đến ngày lành tháng tốt là táng cha Bá Ký về an nghỉ.
Theo ông Thắng miêu tả, thế phong thủy của khu đất mà thầy địa lý đã mách lại cho cụ Lượng là một gò cao nằm ở góc làng Canh Hoạch. “Nơi đây, mạch chìm, có khe nhỏ theo hướng Mão chảy lại. Về phương Hợi có ba cái gò khe nhỏ quay chầu vào. Lập hướng tại Mão thu nước tại Hợi, phóng nước tại Đinh Mùi”. Cũng theo ông Thắng, kiểu đất này đặt trên con hỏa tinh khai khẩu rất to, đằng trước có tam kỳ giang làm minh đường, thần bút tẩm thủy, cờ, trống, võng, lọng la liệt ngay trước mặt.
2. Căn nguyên về việc “bố vợ, con rể” táng cùng một ngôi mộ
Những tưởng chỉ cần đợi đến ngày thầy phong thủy nhà ở nhà ở quay lại thì tâm nguyện của cụ Đức Lượng được hoàn thành, nhưng không ngờ được một việc oái oăm ngoài dự kiến. Ông Thắng kể rằng, người phá hỏng kế hoạch của cụ Lượng chính là công tử con của ông Nguyễn Doãn Địch (thám hoa, khoa thi 1481, đời Lê Thánh Tông) tên là Nguyễn Doãn Toại. Công tử Doãn Toại là người có học thức uyên thâm, khi tài năng đến độ chín thì không may mắc bệnh phong (bệnh hủi – ở thời điểm bấy giờ, những người không may mắc căn bệnh quái ác này sẽ bị mọi người xa lánh). Vốn từ lâu đem lòng thương thầm nhớ trộm tiểu thư Nguyễn Thị Hiền, em gái của cụ Nguyễn Đức Lượng, nhưng vì vướng bệnh phong, nên công tử Doãn Toại bị gia đình người yêu phản đối.
Ngày đặt ngôi mộ đã đến gần nhưng công tử Doãn Toại vẫn trơ trơ như không có chuyện gì xảy ra. Hôm giáp ngày đặt mộ cha, cụ Nguyễn Đức Lượng một lần nữa ra lều của công tử Doãn Toại tìm cách nói ngon ngọt để thuyết phục. Cuối cùng vị công tử này cũng lộ ra ý định vốn giấu kín trong lòng mình từ lâu. Doãn Toại nói với cụ Lượng: “Việc này giải quyết cũng dễ thôi. Các ông và tôi đều là con nhà khoa bảng, môn đăng hộ đối. Tôi vốn từng đem lòng cảm mến người em gái của ông, muốn cho hai gia đình kết làm thông gia. Tuy nhiên, vì bệnh tật mà không thành. Giờ đây chỉ muốn được gặp người em gái của ông. Tôi muốn hai người cùng trò chuyện với nhau một đêm. Sáng hôm sau, tôi sẽ lập tức chuyển đi để tiện việc mong ước của ông”.
Khi nghe được ý định của công tử Doãn Toại nói, cụ Nguyễn Đức Lượng hết sức bực tức, về nhà cụ đem chuyện này than thở với thầy phong thủy. Người thầy trăn trở một hồi rồi nói rằng, gò đất đó rất quý. Nếu là nơi an nghỉ của gia tiên thì sau này con cháu, văn chiếm khôi nguyên, võ chiếm tướng mạc, thiên hạ ít ai bì được. Nếu bị bỏ phí thì sau này hối không kịp. Không ngờ, cuộc trò chuyện giữa hai người lại bị tiểu thư Nguyễn Thị Hiền nghe được. Vốn cũng có cảm tình với công tử Doãn Toại từ trước, người em gái đã quyết định ra gặp thầy phong thủy và anh trai, mạnh dạn bảo rằng: “Vì đất ấy tốt, yên được hài cốt cha, lại mang đến sự thành đạt hiển vinh cho anh và con cháu về sau, chỉ đổi bằng một đêm nói chuyện đâu có xá gì” – ông Thắng kể lại.
Đêm hôm đó, Nguyễn Thị Hiền đội nón, xách đèn băng trong đêm tối mưa phùn gió bấc đến lều tranh chuyện trò cùng công tử Doãn Toại. Vốn đã tình ý với nhau từ lâu, lại chứng kiến cảnh ngộ bất hạnh của công tử Doãn Toại, cô đã trao thân cho vị công tử này. Nhưng ý trời xui khiến, đêm hôm đó, điều không may đã xảy ra. Công tử Doãn Toại đột nhiên quy tiên. Phát hiện ra vị công tử này chết, tiểu thư Nguyễn Thị Hiền vội băng đêm chạy về báo cho anh trai biết. Cụ Đức Lượng nghe tin như sét đánh, vội báo cho quan và gia đình phía công tử Doãn Toại. Cụ Lượng có nguyện vọng muốn đem xác công tử Doãn Toại an táng một nơi khác. Theo ông Thắng, sáng mai ra, khi mọi người tới thì xác của công tử Doãn Toại đã bị mối đùn lấp chỉ còn nổi lên hai chân. Gia đình công tử Doãn Toại cho rằng, đây là thiên táng nên không di chuyển nữa.
Hậm hực và cũng vì ý trời, huyệt mộ thầy phong thuỷ dày công tìm kiếm trở thành công cốc. Thấy cụ Nguyễn Đức Lượng buồn rầu, thầy phong thuỷ đành động viên, “huyệt chính người ta đã chiếm, ý trời khó tránh. Tuy nhiên, huyệt bàng vẫn còn đó, nếu đem chôn thân phụ của ngài vào thì con cháu sau này vẫn được hưởng lộc, tuy không thể so sánh được với huyệt chính”. Nghe theo thầy phong thuỷ, cụ Đức Lượng đành cho táng mộ cha vào cạnh mộ của công tủ Doãn Toại. Và NGÔI MỘ có hai huyệt đặt sát cạnh nhau có từ đó. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0585662660
Liên hệ